Cách nào hạn chế bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu?
Cứ 5 năm, số vụ kiện PVTM đối với hàng Việt tăng lên gấp đôi
Tại tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” diễn ra ngày 21/12, ông Chu Thắng Trung cho hay, xuất khẩu của hàng Việt liên tục tăng trưởng 2 con số/năm trong những năm qua. Hàng Việt đã tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt ngưỡng 700 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với các biện pháp PVTM.
“Cứ 5 năm 1 lần thì số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ. Chúng tôi cũng xác định trong thời gian tới với xu hướng như thế này thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM của nước ngoài”- ông Chu Thắng Trung cảnh báo.
Cách nào hạn chế bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu? Ảnh: Nguyễn Vân |
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu là một trong những lý do khiến hàng hóa Việt Nam đối diện với các biện pháp PVTM. |
Bên cạnh số lượng các vụ việc tăng lên thì cũng có những đặc điểm tương đối mới trong quá trình các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp phải các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.
Thứ nhất, bên cạnh những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thì hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện các vụ việc mà các thị trường nước ngoài, đặc biệt là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Hoa Kỳ tiến hành là áp dụng biện pháp điều tra lẩn tránh PVTM. Hiện nay, trong 16 vụ việc mà Việt Nam đang phải xử lý trong 11 tháng của năm 2022 cũng có một số vụ việc liên quan đến việc điều tra lẩn tránh các biện pháp PVTM.
Thứ hai, xu thế áp dụng PVTM không chỉ xảy ra đối với các thị trường lớn có yêu cầu cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…, nhiều quốc gia ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines… đã tiến hành các vụ việc điều tra phòng vệ ban đầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, các biện pháp PVTM đối với hàng Việt không chỉ giới hạn ở một số ít thị trường nữa mà có thể mở rộng ra các thị trường khác.
Dưới góc độ doanh nghiệp, TS. Lương Đức Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cung chia sẻ: “Khi xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh thì hàng hóa sẽ bị chú ý áp dụng các biện pháp PVTM”.
“Về sản xuất xi măng, hiện nay Việt Nam đang là một cường quốc sản xuất xi măng trên thế giới. Sản lượng xi măng của Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Có lẽ chính vì vậy cho nên năm 2021 các nhà sản xuất xi măng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá gây ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất trong nước của họ…” – TS. Lương Đức Long nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu quan tâm hơn đến phòng vệ thương mại
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Luật sư thành viên, Văn phòng Luật sư IDVN cho hay, Việt Nam đã va vấp với các vụ việc về PVTM đầu tiên là từ những năm 2002, 2003. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ về những rủi ro khi bị điều tra để có giải pháp phòng ngừa và khắc phục. Trong bối cảnh xu hướng các quốc gia gia tăng áp dụng các biện pháp PVTM, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu và có biện pháp hạn chế rủi ro.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Chu Thắng Trung cho hay, Cục Phòng vệ thương mại đang tiếp tục duy trì hệ thống cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thép là mặt hàng chịu sự quan tâm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Ảnh: TL |
Hệ thống này được hình thành theo đề án 316 của Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2020. Cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm là Cục PVTM sẽ theo dõi thường xuyên những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường, để nếu như tốc độ tăng trưởng của mặt hàng đó quá nhanh hoặc là chiếm một thị phần tương đối ở các nước nhập khẩu và mặt hàng đó là đối tượng bị điều tra PVTM ở một nước khác, thì cục sẽ cảnh báo các hiệp hội để cùng doanh nghiệp lưu ý theo dõi.
Thông qua đó doanh nghiệp có thể xác định được là mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không. Từ đó doanh nghiệp cũng có thể đề ra những chiến lược cụ thể ngoài việc chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị tâm thế để trong trường hợp nếu như điều không may xảy ra đã bị điều tra, thì chúng ta đã có những sự chuẩn bị trước. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để có một chiến lược đa dạng hóa thị trường hơn, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu có rủi ro như vậy.
Cục Phòng vệ thương mại cũng có đề án nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do được phê duyệt vào năm 2021. Hiện tại, Cục đang phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng để có những hoạt động cung cấp thông tin, những hoạt động trao đổi chia sẻ thông tin về công tác PVTM, về các nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp PVTM một cách cơ bản nhất cho doanh nghiệp.
Cục Phòng vệ thương mại cho hay, Bộ Công thương còn có hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, khi có những thông tin về các vụ việc xảy ra thì ngay lập tức Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ liên lạc với hiệp hội, liên lạc với các doanh nghiệp liên quan để trao đổi cụ thể để giải quyết vụ việc, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp Việt Nam. |