TP.Hồ Chí Minh: Nhiều chương trình kích cầu đầu tư
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang được khởi động chạy thử với hy vọng tạo bước chuyển mình mới cho TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư |
Tại Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Doanh nghiệp vững mạnh – Thành phố phát triển”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đến thời điểm này TP.Hồ Chí Minh đang có trên 515.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đây là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển, chất lượng, tốc độ tăng trưởng của thành phố. Doanh nghiệp không chỉ đóng góp ngân sách mà còn hiến kế giúp thành phố xây dựng chính sách và định hướng đúng đắn để phát triển, từng bước xây dựng thương hiệu và năng lực cạnh tranh của thành phố trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của kinh tế giới đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến tiến trình phục hồi bền vững của doanh nghiệp. Giá xăng dầu dự kiến vẫn biến động theo chiều hướng tăng sẽ dẫn đến nguy cơ làm cho chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đây là một trong những khó khăn lớn đặt ra cho nền kinh tế nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại dịch vụ nói riêng trong thời gian tới. Do vậy, việc duy trì chính sách đồng bộ nhằm nâng cao nội lực, tăng khả năng kết nối thị trường và tháo gỡ kịp thời những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là hết sức rất quan trọng.
Theo ông Mãi, để chủ động ứng phó với những khó khăn TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương các quận huyện. Đây được xem động lực để thành phố thực hiện mạnh mẽ hơn hành động cải thiện môi trường đầu tư.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, trước hết về nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh triển khai nhiều chương trình kích cầu đầu tư các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị – công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, tăng cường tổ chức kết nối doanh nghiệp – ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
Về giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, ông Vũ cho biết, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cũng đang tăng cường cung cấp thông tin về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường song song với tăng khả năng kết nối cung – cầu hàng hóa theo tín hiệu thị trường. Đặc biệt, trong năm 2023, phương thức thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa và hình thành các chuỗi phân phối hàng hóa quy mô lớn để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sẽ được ứng dụng phổ biến nhằm tăng khả năng giao dịch hàng hóa xuyên biên giới cũng như đẩy mạnh phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa./.
“Cũng trong năm 2023, thành phố sẽ tập trung phát triển ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, phát huy vai trò trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất phía Nam. Đây được xem giải pháp giúp doanh nghiệp tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời giảm chi phí logistics do phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài” – Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh. |